Món khai vị trong thực đơn đám cưới miền Nam
Đặc điểm thường nhận thấy ở thực đơn đám cưới miền Nam là sẽ có từ 2 – 3 món khai vị. Các món ăn được nhiều người lựa chọn như: salad, soup gà, soup cua, soup hải sản, gỏi ngó sen, gỏi củ hủ dừa, gỏi tôm, chả giò chiên, tôm chiên…
Trong menu tiệc cưới khai vị, có hai món không thể thiếu và luôn đi đôi cùng nhau là gỏi và soup. Gỏi thường dùng nguyên liệu có vị chua nhẹ, giúp kích thích vị giác để ăn ngon miệng hơn. Trong khi đó, soup có vị thanh nhẹ, được nhà hàng mang đến cho thực khách để tạo mức độ đói vừa phải khi chờ đợi món chính.
Món chính trong thực đơn đám cưới miền Nam
Có rất nhiều lựa chọn trong các món ngon tiệc cưới miền Nam, như: xôi, gà bó xôi, gà nướng muối ớt, tôm hấp bia, vịt tiềm, bò né, lagu bò, cơm chiên dương châu, cơm kim quy, heo sữa quay, móng heo chiên giòn….
Một điều đặc trưng tạo ra sự khác biệt cho cỗ cưới miền Nam đó là lẩu. Hầu như trong mọi bữa tiệc đều có nồi lẩu trên bàn cỗ. Tùy theo sở thích và lựa chọn của từng nhà mà có các loại lẩu như lẩu thái, lẩu cá, lẩu hải sản, lẩu bắp bò… Mọi người cùng nhau ngồi quây quần với những chén rượu nồng tạo nên bầu không khí vô cùng thân thiết.
Lưu ý quan trọng khi lựa chọn thực đơn chính ở đám cưới miền Nam là sẽ tránh các món ăn mà người miền Nam kiêng kỵ. Họ quan niệm rằng các món ăn này sẽ mang đến những điềm không tốt cho các cặp đôi mới cưới. Bao gồm canh chua, canh đắng và các món chế biến từ mắm.
Món tráng miệng trong thực đơn đám cưới miền Nam
Sau khi ăn các món chính, món tráng miệng sẽ được mang lên. Với vị thơm ngon và thanh mát sẽ giúp khách mời cân bằng lại vị giác. Đồng thời sự tinh tế trong món tráng miệng cũng giúp gia chủ thể hơn sự trân trọng tới khách mời.
Với thói quen và sở thích chuộng vị ngọt, chúng ta dễ dàng bắt gặp các món tráng miệng như bánh đậu xanh, bánh da lợn trên mâm cỗ. Ngoài ra, một số gia đình cũng có những lựa chọn khác như rau câu, sữa chua… Đôi khi, người ta còn dùng các món tráng miệng bắt nguồn từ phương Tây như bánh cupcakes, bánh kem, sinh tố…